Bán hạ nam và tác dụng chữa bệnh

Bán hạ nam có tác dụng chữa bệnh rất tốt, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp. Cùng tìm hiểu về bán hạ nam và các bài thuốc chữa bệnh từ bán hạ nam. 

1. Nhận biết bán hạ nam

Bán hạ nam hay còn gọi là củ chóc [Typhonium trilobatum (L.) Schott], họ Ráy (Araceae), là cây thuốc mọc hoang ở hầu hết các địa phương trong nước ta, thường mọc ở các nơi đất ẩm thấp trong vườn, dưới tán các cây khác.

Cây bán hạ nam

Cây bán hạ nam

Là cây thuộc thảo, lá có cuống dài, hình lưỡi mác, chia 3 thùy. Hoa bông mo, mặt ngoài màu lục nhạt, mặt trong màu đỏ hồng. Thân rễ hình tròn hơi dẹt, được dùng làm thuốc.

2. Cách chế biến và dùng bán hạ nam

Khi dùng cần chế biến thật kỹ để loại đi các chất gây tê, gây ngứa. Có thể đem bán hạ nam ngâm vào nước sạch 15 ngày, mỗi ngày đều quấy đảo và thay nước 1 lần. Vớt ra, rửa sạch, để ráo nước rồi ngâm tiếp vào hỗn dịch gồm gừng tươi giã nhỏ đã trộn với vôi tôi và phèn chua dạng dung dịch. Ngâm tiếp 10 ngày. Vớt ra rửa sạch, rồi ngâm tiếp 1 tuần lễ nữa với nước sạch. Vớt ra, phơi khô, rồi sao với trấu tới khi toàn bộ bên ngoài có màu vàng chanh.

3. Tác dụng của bán hạ nam

Bán hạ nam chứa các thành phần sterol, saponin, coumarin, alcaloid, a xít hữu cơ, a xít amin. Trên thực nghiệm, bán hạ nam có tác dụng chống ho, trừ đờm, chống nôn.

Theo YHCT , bán hạ có tác dụng giáng nghịch, chỉ ho, trừ đờm, chống nôn. Dùng trị các chứng bệnh ho có nhiều đờm, hoặc ho do viêm phế quản mạn tính, nôn do trướng khí.

Liều dùng, ngày 4 – 12g, phối hơp với các vị thuốc khác, dưới dạng thuốc sắc, thuốc tán, thuốc hoàn.

Cần lưu ý, những người có chứng táo nhiệt không nên dùng, người có thai dùng thận trọng.

4. Một số chứng bệnh thường dùng bán hạ nam:

– Trị các chứng ho, nhiều đờm (hàn), ho lâu ngày: gây nôn lợm, bán hạ nam (chế) 12g, trần bì, bạch phục linh, mỗi vị 10g, cam thảo 8g, dưới dạng thuốc sắc.

– Trị chứng ho, nhiều đờm, thượng vị trướng tức, nôn mửa bán hạ nam (chế), trần bì, bạch phục linh, mỗi vị 250g, cam thảo 75g. Đem 4 vị thuốc trên tán mịn, trộn với dịch sinh khương làm hoàn, mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần 9 – 15g.

– Trị chứng ho đờm, hoặc sốt kèm theo ho, miệng khát khó thở: bán hạ nam (chế) 6g, ma hoàng, tô tử, đình lịch tử, mỗi vị 8g, xạ can, hạnh nhân, mỗi vị 10g, sinh khương 4g, thạch cao 20g, đại táo 12g. Sắc uống ngày một thang.

– Trị chứng ho, khó thở, hen suyễn lâu ngày: bán hạ nam (chế), tô tử, hạnh nhân, mỗi vị 8g, trần bì, bạch linh, cam thảo, mỗi vị 10g. Sắc uống, ngày một thang.

– Trị chứng hen suyễn lâu ngày, da xanh xao, thiếu máu: bán hạ nam (chế) 8g, trần bì, phục linh, cam thảo, mỗi vị 10g, đương quy, thục địa, mỗi vị 12g, dạng thuốc sắc, ngày một thang.

– Trị bụng đầy trướng, buồn nôn: bán hạ nam (chế), trần bì, bạch linh, cam thảo, sinh khương, mỗi vị 12g, sắc uống.

GS.TS Phạm Xuân Sinh

Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội

Trích từ cuốn sách “Tác dụng kỳ diệu của 50 cây thuốc quanh ta” 

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button