Biểu tượng Thủ đô nơi cực Nam Tổ quốc

Biểu tượng Thủ đô nơi cực Nam Tổ quốc - 1

Cột cờ Hà Nội ở Mũi Cà Mau.

“Sợi chỉ đỏ” kết nối

Công trình biểu tượng Cột cờ Hà Nội được khởi công xây dựng ngày 16-1-2016 và khánh thành ngày 10-12-2019 tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Với hình dáng được thiết kế mô phỏng kiến trúc Cột cờ Hà Nội, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau là một điểm nhấn trong hành trình tham quan vùng đất cực Nam Tổ quốc. Đây vừa là biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó giữa các vùng miền trên cả nước, vừa là tình cảm thiêng liêng của người dân Hà Nội đối với Đất Mũi.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau được xây dựng kiên cố, hiện đại, có khả năng chống chịu gió bão và ảnh hưởng của nước biển. Công trình được xây dựng với tổng kinh phí khoảng 140 tỷ đồng, có tổng diện tích hơn 16.000m2, chiều cao 45m, gồm 3 tầng đế và thân cột cờ. Các tầng đế là nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của tỉnh Cà Mau cùng những di sản văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.

Thân cột cờ hình trụ, có 8 cạnh thon dần lên phía trên, trụ hình thang xoáy trôn ốc được rọi sáng và thông hơi bằng những ô cửa sổ hình hoa thị và rẻ quạt. Ở mỗi cấp, tường xây được trang trí bằng những hoa văn khác nhau, tuy đơn giản nhưng tạo đường nét mềm mại và vẻ đẹp riêng. Lên tới đỉnh cột cờ, du khách có thể ngắm toàn cảnh rừng ngập mặn Cà Mau và cụm đảo Hòn Khoai nên thơ giữa biển.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau là một điểm nhấn trong hành trình tham quan Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, nơi có các công trình quan trọng như: Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001, biểu tượng Con thuyền Mũi Cà Mau, mốc Km 2.436 đường Hồ Chí Minh…

Ông Quách Văn Ân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Nếu Cột cờ Hà Nội là biểu tượng thiêng liêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến thì Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau là sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, là “sợi chỉ đỏ” kết nối tình đoàn kết gắn bó giữa nhân dân Thủ đô Hà Nội với nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Cà Mau và miền Nam ruột thịt nói riêng”.

Góp phần thúc đẩy phát triển du lịch

Cà Mau là vùng đất chứa đựng những câu chuyện về con người Đất Mũi đã làm nên những trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Những dấu ấn đó được thấy tại các địa danh như: Bến Vàm Lũng – điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên biển, di tích Hòn Đá Bạc – Trung tâm chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12, di tích đảo Hòn Khoai với cuộc khởi nghĩa của nhà cách mạng – thầy giáo Phan Ngọc Hiển.

Đáng chú ý, trong Khu du lịch quốc gia Đất Mũi, ngoài Cột cờ Hà Nội còn có Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và tượng mẹ Âu Cơ. Các công trình này tạo thành một tổng thể có ý nghĩa sâu sắc về văn hóa – lịch sử truyền thống của dân tộc Việt Nam tại vùng cực Nam của Tổ quốc.

Theo số liệu từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, 9 tháng năm 2020, Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đã đón 193.626 lượt khách tham quan. Thời gian qua, du lịch Cà Mau đã nỗ lực liên kết các điểm đến nhằm đa dạng hóa sản phẩm để thu hút khách.

Đến với Cà Mau, du khách sẽ có dịp tham dự những lễ hội mang đậm nét văn hóa bản địa như: Lễ hội Nghinh Ông, Lễ vía bà Thiên Hậu, Lễ hội mừng năm mới của người Khmer; trải nghiệm các tuyến du lịch sinh thái độc đáo, hấp dẫn với đầm tôm, vườn cây ăn trái, sân chim tự nhiên…, hay tận mắt thấy sự tài hoa, khéo léo của người Cà Mau qua những sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng như chiếu Tân Thành, tôm khô Rạch Gốc, hầm than đước Ngọc Hiển, mắm Ba khía Rạch Gốc…

Giờ đây, khi về với Đất Mũi Cà Mau, du khách không chỉ được chạm tay vào Cột mốc tọa độ quốc gia, trải nghiệm và khám phá những nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước mà còn được tận mắt chiêm ngưỡng Cột cờ Hà Nội ở nơi cực Nam của Tổ quốc. “Đến Đất Mũi Cà Mau ngắm Cột cờ Hà Nội, thấy hình ảnh Thủ đô được biển và rừng đước, rừng tràm ôm trọn, tôi cảm nhận rõ hơn lòng tự hào dân tộc, sự gắn bó khăng khít giữa các vùng miền, thấy đất nước mình thật đẹp và gần gũi…”, anh Nguyễn Xuân Long, 30 tuổi, du khách tới từ quận Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Sừng sững và uy nghi trước biển, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau như hình ảnh Thủ đô luôn trong trái tim của cả nước. Đó còn là niềm tự hào, tự tôn dân tộc và là dấu son khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/980373/bieu-tuong-thu-do-noi-cuc-nam-to-quoc

Là trung tâm văn hoá và chính trị của cả nước, Hà Nội có vô vàn danh lam thắng cảnh đẹp với những nét đặc sắc riêng…

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button