Chủ tịch xã nhiễm bệnh và tử vong sau nhiều ngày dầm mình trong nước lũ khi cứu dân: Cảnh báo loại vi khuẩn cực nguy hiểm trong mùa mưa lũ

Ngày 11/11, ông Phan Thanh Miên, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã qua đời sau nhiều ngày nằm viện, nguyên nhân là do nhiễm trùng từ vết thương ở chân của ông. Được biết, trước đó, trong lúc cùng các lực lượng trong xã đi cứu hộ nhiều hộ dân bị mắc kẹt tại thời điểm mưa lũ, ông Miên đã bị thương ở đầu gối. Mặc dù bị thương nhưng những ngày sau đó, do tình hình mưa lũ tại địa phương đang cấp bách nên ông Miên vẫn tiếp tục dầm mình trong nước lũ để giúp dân, dẫn đến vết thương bị nhiễm trùng.

Khi sức khỏe bị suy kiệt, sốt, gia đình đưa ông tới trạm y tế xã điều trị nhưng không thuyên giảm. Sau đó, ông Miên được chuyển vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới trong tình trạng sốt nặng, đầu gối sưng rất to.

Sức khỏe ông Miên ngày một xấu hơn, thể trạng yếu và được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, bác sĩ chẩn đoán ông bị nhiễm một loại vi khuẩn từ nước lũ có tên là Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Melioidosis, hay bệnh Whitmore. Ông Miên bị nhiễm trùng rất nặng, phải thở máy, lọc máu liên tục nhưng vẫn không qua khỏi. Ông qua đời vào ngày 11/11.

Bệnh whitmore là bệnh gì?

Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Vi khuẩn whitmore bị gọi với cái tên “ăn thịt người” bởi nó có thể gây viêm, nhiễm khuẩn, áp xe, hoại tử… trên nhiều vùng cơ thể.

Bệnh whitmore nguy hiểm như thế nào?

Bệnh whitmore có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh whitmore từ khoảng 40-60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Bệnh whitmore còn có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Đôi khi chỉ là một vết xây xát nhỏ nhưng khi được tiếp xúc với môi trường đất, nước có vi khuẩn whitmore thì nguy cơ bạn bị nhiễm trùng, sau đó gặp phải các biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng máu, áp xe, viêm phổi… Nếu không có cách phát hiện nhanh, bệnh nhân có khả năng tử vong chỉ trong vài ngày.

Chủ tịch xã nhiễm bệnh và tử vong sau nhiều ngày dầm mình trong nước lũ khi cứu dân: Cảnh báo loại vi khuẩn cực nguy hiểm trong mùa mưa lũ-1

Những con đường lây nhiễm của bệnh

– Tiếp xúc trực tiếp các vết xước trầy da với đất hoặc nước nhiễm khuẩn.

– Hít phải các hạt bụi có chứa vi khuẩn.

– Lây nhiễm qua đường ăn uống khi thức ăn nhiễm khuẩn.

– Vi khuẩn có thể truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa khi người mẹ bị áp xe tuyến vú do vi khuẩn B. pseudomallei.

– Tiếp xúc vết xước trầy da với động vật chết do nhiễm bệnh whitmore như chó, mèo, bò, dê…

Các dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh whitmore?

Dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh whitmore thường là:

– Sốt,

– Viêm phổi,

– Xuất hiện ổ áp xe ở nhiều vị trí,

– Nhiễm trùng đường tiết niệu…

Những dấu hiệu này thường xuất hiện nhiều ở bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, mắc các bệnh mạn tính liên quan đến thận hoặc phổi, người nghiện rượu, người làm việc trực tiếp, thường xuyên với đất như nông dân. Đối tượng người già cũng rất dễ mắc vì thường có hệ miễn dịch yếu.

Chủ tịch xã nhiễm bệnh và tử vong sau nhiều ngày dầm mình trong nước lũ khi cứu dân: Cảnh báo loại vi khuẩn cực nguy hiểm trong mùa mưa lũ-2

Phòng ngừa bệnh whitmore

Để phòng bệnh, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Trong quá trình, làm việc, đi lại, nếu phải đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì rất dễ bị tấn công. Nngười dân nên hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Ở những vùng có mưa lũ, người dân cần phòng bệnh bằng cách sử dụng giày, dép và găng tay khi tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt là khi có các vết thương hở.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.

Theo Pháp luật và bạn đọc

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button