Mẹo chụp ảnh khi không có tripod

Bài viết được lược dịch từ Jim Hamel về cách chúng ta nên làm gì khi quên mang tripod hoặc khi không sở hữu cái nào.

  

Bức ảnh này được chụp ở lớp nhiếp ảnh ban đêm tại Trường đào tạo chụp ảnh kĩ thuật số (DPS) bằng cách sử dụng chấn song của cây cầu để ổn định máy ảnh

 

Tôi chắc rằng chúng ta đều đã gặp trường hợp này. Đó là khi các bạn ra ngoài, không có ý định chụp ảnh nhưng vẫn mang theo máy ảnh để đề phòng. Và rồi, bạn biết đấy, trường hợp cần đề phòng lại trở thành sự thật: một khung cảnh tuyệt đẹp hiện ra trước mắt bạn. Rắc rối duy nhất là ở độ sáng không đủ của khung cảnh và bạn lại không mang theo tripod. Vậy bạn sẽ làm gì?

 

Lựa chọn tệ nhất, dĩ nhiên chính là không làm gì cả và bỏ qua khung cảnh đó. Ngay cả khi bạn thử và thất bại còn tốt hơn là bạn không làm gì cả. Thế nên, bạn nên cho bản thân một cơ hội, kể cả khi không có tripod nhé.

 

 

 

Điều quan trọng bạn phải nhớ là tripod thật ra chỉ là một cái giá đỡ máy ảnh màu mè. Nghĩa là nó chỉ là một nơi để bạn đặt máy ảnh mình vào. Cứ cho là nó có cả một đống tiện ích khác để giúp đỡ bạn và hỗ trợ cho camera của bạn đi nhưng bản chất, nó vẫn chỉ là cái giá đỡ. Bạn hãy cứ nhớ như thế và tìm những thứ khác xung quanh xem có thế giúp bạn giống vậy không.

 

Nói về các loại giá đỡ, chúng thường rất tốt trong việc cung cấp cho ta một vị trí cao lí tưởng để chụp ảnh. Nếu bạn đang ở trong khu dân cư (không phải ở nơi nào đó giữa rừng), bàn và ghế có thể là những cái tripod tạm thời tuyệt vời. Hãy kéo theo một cái tới nơi bạn muốn chụp và đặt máy ảnh lên đó.

 

Khi đặt máy ảnh lên vật gì đó, bạn sẽ thấy máy ảnh của mình ngả về phía trước do sức nặng của ống kính. Để khắc phục tình trạng này, hãy kê thêm thứ gì đó dưới ống kính của bạn. Nếu không kiếm được thứ gì hữu ích, hãy lục trong balo và xem mình tìm được gì. Tôi đã từng sử dụng nắp ống kính, vỏ filter hay thậm chí là pin dự phòng. Nếu bạn hỏi rằng làm thế có hiệu quả không? Thì câu trả lời là không nhưng lại hữu dụng những lúc bức thiết.

 

 

 

Hãy để tôi cho bạn xem một ví dụ gần đây. Đây là bức ảnh tôi chụp vào ban đêm ở thành phố Oklahoma.

 

 

Tốc độ màn trập: 30 giây; khẩu độ: f/8; ISO 100 (không tripod)

 

Tôi đã có chuyến du lịch tại thành phố này và ở lại trong một khách sạn. Tôi cùng vợ đang ngồi cùng nhau ở quầy bar trên sân thượng và dù rằng trời đang rất tối, nhưng bên dưới là một khung cảnh đẹp tôi rất muốn lưu lại. Vì đây là một chuyến đi với mục đích chính không phải là để chụp ảnh, thế nên dù rằng tôi có máy ảnh nhưng lại không đem theo tripod hay dây bấm mềm.

 

Bức ảnh trên đòi hỏi tốc độ màn trập lên đến 30 giây (tôi có thể làm cho nó ngắn hơn nhưng lại muốn lấy dãy ánh sáng trên con đường). Không có tripod bên cạnh, tôi buộc phải ứng biến. Tôi đẩy chiếc bàn cocktail lên cạnh rìa của ban công để lấy góc độ cần thiết. Sau đó sử dụng một cái gạt tàn để đỡ ống kính.

 

Bên cạnh đó, vẫn còn vấn đề về việc không được chạm vào máy ảnh trong lúc chụp. Nếu như bạn không mang theo tripod, kì lạ hơn nữa chính là bạn cũng mang theo dây bấm mềm luôn. Bạn vẫn có thể chụp không cần động vào máy ảnh thông qua chức năng hẹn giờ chụp.

 

Đối với bức hình ở trên, tôi đã hẹn chụp sau 2 giây. Thậm chí khi bạn dùng chức năng phơi sáng mở rộng (bracketed exposure), máy sẽ chụp tất các mức phơi sáng sau khi đếm ngược (lưu ý: chỉ thực hiện được đối với một số dòng máy). Chức năng này thực sự hữu dụng đến nỗi tôi dần quên đi cái dây bấm mềm của tôi.

 

 

 

Đa số, bạn không thực sự cần phải đặt máy ảnh xuống để chụp, bạn chỉ cần một ít sự ổn định. Làm cách nào để bạn biết mình cần ổn định máy ảnh? Bằng một thứ gọi là Qui tắc tương hỗ (Reciprocal Rule). Qui tắc này bảo rằng tốc độ màn trập của bạn ít nhất phải bằng với một phần tiêu cự của thấu kính.

 

Giải thích đơn giản rằng nếu như tiêu cự của bạn dùng là 50mm thì tốc độ màn trập của bạn nên là 1/50 hay nhanh hơn thế. Tương tự như vậy, nếu tiêu cự của bạn là 16mm thì tốc độ của bạn nên là 1/16 hoặc nhanh hơn. Như bạn thấy đấy, góc chụp càng lớn thì tốc độ màn trập phải càng chậm.

 

 

 

Đây là một mẹo khác. Chụp góc rộng ở nơi thiếu sáng khi bạn không mang tripod. Dĩ nhiên, không phải lúc nào điều này cũng đúng bởi đôi khi, bố cục bạn cần lại yêu cầu một tiêu cự dài hơn. Nhưng khi bạn không có một cái tripod bên cạnh, hãy nghĩ đến chụp góc rộng nhé.

 

 

 Đôi lúc bạn sẽ đến những nơi không cho phép sử dụng tripod. Đây là chỗ tôi thậm chí không thể mang tripod lên đến tận nơi (tháp Reunion ở Dallas). Nên tôi đã đặt máy ảnh của mình trên hàng rào vòng ngoài để giữ cho máy ổn định. Tốc độ màn trập: 1/8 giây; khẩu độ: f/8; ISO 800

 

 

 

Chắc bạn cũng đã từng nghĩ về việc ổn định/giảm rung cho ống kính. Nếu như vậy, thì mẹo này sẽ cho bạn thêm một vài stop sáng. Điều đó, trong trường hợp này, đồng nghĩa với việc bạn có thể đặt tốc độ màn trập chậm hơn vài stop so với trước.

 

Ví dụ, nếu ống kính của bạn có chế độ ổn định hình ảnh trong 3 stop (ống kính khác nhau thì sẽ được phân định khác nhau), và bạn đang chụp ảnh với tiêu cự 50mm, giờ đây bạn có thể chụp với tốc độ 1/6 giây. (Hãy nhớ rằng một stop là gấp đôi của ánh sáng, nên nếu bạn bắt đầu từ 1/50 giây, vậy thì một stop sẽ tương đương 1/25 giây, hai stop là 1/12 giây và ba stop là 1/6 giây).

 

Những số liệu trên là EFL (Effective Focal Length) nên nếu bạn đang sử dụng máy ảnh với cảm biến nhỏ hơn full frame, bạn sẽ cần phải lưu ý đến nó.

 

 

 

Khi bạn không theo Qui tắc tương hỗ, bạn sẽ cần phải ổn định máy ảnh của mình, thường là chỉ cần một chút thôi. Ví dụ nhé, bạn đang chụp ở 24mm và mức phơi sáng thích hợp yêu cầu tốc độ chụp 1/10 giây (sử dụng ISO và cài đặt khẩu độ theo ý bạn). Bạn sẽ làm gì? Chỉ cần ổn định máy ảnh của bạn một chút bằng cách chống nó lên cái gì đó.

 

Dùng một bức tường hay ô cửa nếu như bạn đang ở trong nhà. Dùng cây cối hay cột đèn nếu bạn đang ở bên ngoài. Những vật đó đều rất vững chắc nên dựa máy ảnh vào đó sẽ giúp tăng sự ổn định. Bạn sẽ ít có khả năng làm xê dịch máy ảnh trong lúc đang phơi sáng hơn. Nếu bạn không thể chống máy ảnh lên chúng, thì tựa vào chúng trong lúc chụp sẽ giúp ích ít nhiều đó.

 

 

Đối với bức ảnh này, tôi thật ra đang ở trong bảo tàng Louvre (chụp qua cửa sổ). Bởi vì tôi không có tripod, tôi đã phải sử dụng khung cửa để ổn định máy ảnh đồng thời chụp vài tấm với hi vọng rằng sẽ có 1 tấm rõ nét. Tốc độ màn trập: 1/8 giây; khẩu độ: f/4 (góc rộng đối với thấu kính này); ISO 3200

 

Đừng chỉ chụp một bức. Hãy cho bản thân nhiều cơ hội có được một bức ảnh rõ nét bằng cách chụp nhiều bức. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình đã có được bức ảnh mình cần ngay lần đầu tiên, thật khó để có thể nói thông qua những màn hình LCD nhó xíu kia (bạn có thể phóng to để kiểm tra). Không có gì tệ bằng việc trở về nhà và phát hiện ra bức ảnh bạn cho rằng rõ nét thật ra lại rất mờ. Vậy nên, nhớ rằng chụp ảnh kĩ thuật số ko mất gì cả, hãy tận dụng tốt lợi thế đó và chụp thật nhiều để cho chắc chắn.

 

Cuối cùng, đừng sợ sệt khi đẩy cao ISO. Làm như thế sẽ giúp bạn có được tốc độ màn trập nhanh hơn nhiều. Và dĩ nhiên, sẽ dẫn đến có nhiều noise hơn, nhưng đừng lo lắng về vấn đề đó.

 

Đầu tiên, máy ảnh đang ngày càng tốt hơn ở khâu xử lí độ nhiễu khiến nó không còn là vấn đề lớn như trước đây. Trong bất cứ trường hợp nào, khử nhiễu có thể được thực hiện ở giai đoạn hậu kì khá dễ dàng và không làm mất quá nhiều chi tiết của bức ảnh. Đừng quên rằng, khử nhiễu tương đối đơn giản nhưng khử nhòa lại rất khó và bất khả thi (đối với tốc độ màn trập thấp).

 

 

Tôi bắt gặp chiếc cầu thang này trong lúc đi công tác và đã sử dụng các cài đặt phơi sáng để đảm bảo độ nét. Tôi đã nâng ISO lên 1600 và mở rộng khẩu độ hết cỡ (đến f/4). Điều đó đã cho phép tôi chụp ở tốc độ 1/25 giây. Vì đang sử dụng thấu kính 19mm đồng thời tuân thủ theo Luật tương hỗ nên bức hình của tôi đã rõ nét như dự tính

 

 

 

Tất cả những điều trên hoàn toàn không khuyến khích bạn không cần tripod hay không mang theo một cái. Nếu bạn định chụp phong cảnh, đô thị hay các thể loại khác của nhiếp ảnh ngoài trời, có và sử dụng tripod là một điều tối quan trọng.

 

Nhưng khi bạn ở trong tình huống không có tripod, đừng vội tuyệt vọng bởi bạn vẫn có thể chụp được nếu áp dụng những điều trên.

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button