Sản phẩm của thế kỷ 20 xuất hiện ở hầm mộ, di tích Ba Tư 1.000 năm

Nghiên cứu vừa công bố trên Journal of Archaeological Science đã xác định thứ vật liệu bí ẩn, không tan rã làm nên những chiến giáp, kiếm, dao găm… của người Ba Tư cổ đại chính là… thép không gỉ, với công thức không khác gì thứ mà người hiện đại chúng ta nghĩ rằng minh vừa sáng chế ra.

Tiến sĩ Rahil Alipour từ Đại học London (Anh) và các cộng sự đã khảo sát rất nhiều hiện vật Ba Tư được lưu giữ trong các bảo tàng, sau khi khai quật từ nhiều hầm mộ, khu định cư, chiến trường cổ đại. Họ xác định được một loại thép đặc biệt được làm ở Chahak, một địa danh thuộc Ba Tư 1.000 năm trước, chứa từ 1-2% crom (chromium – Cr) và 2% phốt pho.

Sản phẩm của thế kỷ 20 xuất hiện ở hầm mộ, di tích Ba Tư 1.000 năm - 1

Một vật dụng bằng thép không gỉ của Ba Tư bị gãy, để lộ vật liệu tưởng rằng do người thế kỷ 20 phát minh – ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp

Crom chính là thứ đặc biệt trong công thức chế tạo thép không gỉ hiện đại, được cho là ra đời trong thế kỷ… 20. Thép không gỉ hiện đại chứa nhiều crom hơn một chút nên chất lượng cao hơn, nhưng rõ ràng công phát minh phải thuộc về những người Ba Tư ngàn năm trước.

Chahak từng là trung tâm sản xuất thép quan trọng và đây là địa điểm khảo cổ duy nhất ở Iran có bằng chứng về việc luyện thép, trong đó sắt được thêm vào các nồi nấu kim loại hình ống dài, cùng với các khoáng chất và chất hữu cơ khác, sau đó được niêm phong và làm nóng trong lò. Sau khi làm nguội, người ta làm vỡ khuôn nung để lấy thỏi thép ra.

Nhóm nghiên cứu cũng tìm ra bản thảo quan trọng được viết bởi nhà nghiên cứu Ba Tư Abu-Rayhan Biruni, có niên đại từ thế kỷ thứ 10-11, trong đó có hướng dẫn chi tiết về cách luyện thép và đề cập đến “một loại cát chromite”, chính là hợp chất chứa crom!

Có lẽ trình độ luyện kim xuất sắc và “vượt thời gian” này đã giúp những thanh kiếm Ba Tư trở nên nổi tiếng và bán với giá rất cao trên thị trường. Tuy nhiên, phốt pho, thứ được thêm vào để làm giảm điểm nóng chảy của kim loại, thuận tiện trong quá trình luyện thép, lại là một điểm trừ trong sản phẩm. Nó khiến những thanh kiếm dễ gãy hơn. Tuy nhiên với tính năng không gỉ và rất đẹp, vũ khí Ba Tư vẫn luôn được ưa chuộng.

Nguồn: https://nld.com.vn/khoa-hoc/soc-san-pham-cua-the-ky-20-xuat-hien-o-ham-mo-di-tich-ba-tu-1000-nam…

Không chỉ sâu nhất thế giới, hồ nước này còn chứa hơn 20% lượng nước ngọt trên toàn trái đất.

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button